• Loading...
Chào mừng bạn đến với Trang thông Tin điện tử Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Yên Bái!
 
Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho trẻ dân tộc
Ngày xuất bản: 17/11/2018 3:45:30 SA

 Tăng cường khả năng tiếp nhận kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi của trẻ vị thành niên, gia đình và cộng đồng về quyền trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đồng bào dân tộc thiểu số… là những nội dung chính trong Dự án “Bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính của trẻ vị thành niên dân tộc Mông tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” do Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (viết tắt là Trung tâm) đang triển khai thực hiện.

Dự án được triển khai thực hiện ở 2 xã của huyện vùng cao Mù Cang Chải là Nậm Khắt và Dế Xu Phình. Đây là vùng tập trung đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trình độ dân trí hạn chế và còn nhiều tập quán lạc hậu như: bắt vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn có con sớm, sinh nhiều con… Bởi vậy, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên chưa được quan tâm đúng mực. Dù trong môi trường gia đình hay trường học đều chưa được coi trọng. Cha mẹ, thầy cô giáo và nhân viên y tế thiếu hụt kỹ năng làm việc và giao tiếp với trẻ vị thành niên. Trước tình trạng đó, dưới sự hỗ trợ của tổ chức Adoptionscentrum (ACS) Thụy Điển tại Việt Nam, Trung tâm đã triển khai thực hiện Dự án “Bảo vệ Quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính của trẻ em vị thành niên dân tộc Mông tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” trong 2 năm từ 2017 đến 2018 với nguồn vốn hơn 600 triệu đồng. Dự án được các tổ chức xã hội thành lập và vận hành; người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình giám sát, phản hồi thông qua các hội thảo tại các thôn bản, điểm trường góp phần cải thiện chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên.

Các học viên tham gia tập huấn

Ngay sau khi Dự án được khởi động, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn về quyền trẻ em, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính cho các thành phần, nhóm đối tượng bao gồm: 30 thành viên nòng cốt từ các gia đình có con trong độ tuổi từ 15-18, 20 trẻ vị thành niên nòng cốt, nhân viên y tế và các tổ chức cộng đồng. Khảo sát trước khi tập huấn, đa số học viên đều băn khoăn đối với các khái niệm liên quan đến trẻ vị thành niên cũng như những kỹ năng phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn như: xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục, nguy cơ bị mua bán và bắt cóc… Tuy nhiên, sau 2 khóa tập huấn, nhận thức của các học viên đã được nâng lên rõ rệt. Không chỉ về những kiến thức, kỹ năng phòng tránh các nguy cơ mà còn cả các kỹ năng truyền thông, công cụ thu hút sự tham gia của trẻ vị thành niên, quy trình tổ chức các cuộc nói chuyện, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính. Bác sỹ Bùi Văn Hải – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Cùng với truyền đạt kiến thức, chúng tôi cũng đưa ra các lời khuyên bổ ích giúp tăng khả năng giao tiếp, sự tự tin, kỹ năng trò chuyện với trẻ vị thành niên cho các học viên như: độ tuổi nào thích hợp để trang bị kiến thức; cần tạo sự tin tưởng, cởi mở khi chia sẻ; xây dựng tình cha mẹ và con cái như tình bạn để chia sẻ dễ dàng; bắt đầu câu chuyện một cách khéo léo, tế nhị và kiên trì…”.

Đặc biệt, Trung tâm còn phối hợp với hội phụ nữ ở 2 xã thành lập và duy trì “Câu lạc bộ Cha mẹ tốt” (CLB) thu hút gần 100 thành viên tham gia. Chị Lý Thị Của – Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Dế Xu Phình cho biết: “Những ngày đầu mới thành lập CLB chỉ có 24 thành viên tham gia. Đến nay qua hơn 4 tháng hoạt động tổng số thành viên được nâng lên 36 người. Mỗi buổi sinh hoạt là một buổi thảo luận sôi nổi. Qua đó, các thành viên cùng nhau chia sẻ những vấn đề khó khăn mà trẻ vị thành viên là con em mình đang gặp phải rồi cùng nhau bàn bạc, đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Ai có những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ cũng được chia sẻ để mọi người cùng học tập”.

Có thể thấy, đã có sự thay đổi tích cực trong tư duy, nhận thức của người dân trong việc bảo về quyền được chăm sóc sức khỏe và giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, để Dự án tiếp tục hoạt động có hiệu quả, rất cần có sự kết nối, tham gia liên tục của các đối tượng, sự gắn kết của các tổ chức liên quan và sự đôn đốc, kiểm tra, rút kinh nghiệm thường xuyên của Ban chỉ đạo Dự án.

                                                                                                Hoài Anh

Thư viện video

Lượt truy cập

visitor counter