• Loading...
Chào mừng bạn đến với Trang thông Tin điện tử Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Yên Bái!
 
Tìm hiểu về Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày xuất bản: 08/10/2018 3:40:00 SA

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20 tháng 6 năm 2012, trong đó đã quy định lấy ngày 9 tháng 11 hàng năm là Ngày pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trang Thông tin điện tử Liên hiệp Hội tỉnh đã có cuộc trao đổi với Luật gia Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về nội dung này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

TTĐT: Xin ông vui lòng cho biết mục đích, ý nghĩa về Ngày Pháp luật Việt Nam.

Luật gia Nguyễn Ngọc Sơn:

Ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã thông qua Hiến pháp đầu tiên, một sự kiện chính trị pháp lý trọng đại, mở đầu công tác lập hiến, lập pháp của Nhà nước ta. Mặc dù được soạn thảo trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Hiến pháp năm 1946 như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhận xét: “ Bản Hiến pháp chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông, đã được hưởng chung mọi tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.

Trải qua từng giai đoạn của cách mạng, từng thời kỳ bảo vệ, xây dựng và phát triển đến nay đất nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đó là: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Xuất phát từ ý nghĩa giá trị này, theo đề xuất của Chính phủ, ngày mùng 9 tháng 11 - Ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (viết tắt là Ngày pháp luật Việt Nam) đã được Quốc hội khoá XIII nhất trí thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2012 . Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Như vậy, sau quy định của Hiến pháp về ngày Quốc khánh, đây là lần đầu tiên, có một đạo luật quy định một sự kiện chính trị - pháp lý được tổ chức hàng năm, đó là Ngày Pháp luật Việt Nam - 9/11, hầu hết các sự kiện và các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống khác thường được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật khác. Điều này đã khẳng định mục đích, ý nghĩa chính trị pháp lý hết sức to lớn của Ngày Pháp luật Việt Nam.

TTĐT: Xin ông cho biết nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật Việt Nam được thực hiện như thế nào?

Luật gia Nguyễn Ngọc Sơn:

Trước hết, Ngày Pháp luật được tổ chức với 5 nội dung trọng tâm sau:

Một là, khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;

Hai là, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật;

Ba là, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp pháp luật, thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng nhiệm vụ của cơ quan đơn vị;

Bốn là, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;

Năm là, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, gương người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Về hình thức tổ chức Ngày pháp luật cũng rất phong phú đa dạng như mít tinh; hội thảo; toạ đàm trao đổi; những nội dung về pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống sinh hoạt, lĩnh vực công tác.

Hoặc có thể tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật như thi viết, thi qua mạng Internet, thi qua Báo, Đài tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật lưu động, thông qua các triển lãm hoặc bằng những hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Có thể khẳng định, Ngày Pháp luật có một ý nghĩa hết sức thiết thực để đẩy mạnh và phát huy vị trí vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng như công tác xây dựng pháp luật. Thông qua sinh hoạt Ngày pháp luật, nhiều văn bản, quy định mới của pháp luật sẽ được tuyên truyền, phổ biến trực tiếp sâu rộng từ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, đến người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ và đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Thông qua đó, một mặt nhắm góp phần nâng cao trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật và ý thức thượng tôn, chấp hành pháp luật cho mọi người, mặt khác cũng tạo điều kiện để mỗi người tham gia thể hiện sự hiểu biết của mình về pháp luật, trên cơ sở đó có những ý kiến tham gia thiết thực vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đảm bảo pháp luật thực sự là công cụ quản lý của Nhà nước và đi vào cuộc sống.

Ngày Pháp luật được tổ chức để góp phần xây dựng niềm tin, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, hướng tới xây dựng nền văn hoá pháp lý.

TTĐT: Liên hiệp Hội tỉnh sẽ tổ chức triển khai các hoạt động như thế nào để hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam năm 2018.

Luật gia Nguyễn Ngọc Sơn:

Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu tìm hiểu pháp luật góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan toả sâu rộng để từ một ngày này góp phần làm cho 364 ngày còn lại trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 278/BTP-PBGDPL ngày 30/7/2018 và Hướng dẫn số 479/CV-HĐPH ngày 12/9/2018 của Sở Tư pháp về việc triển khai thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018, với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tỉnh sẽ tổ chức thực hiện các nội dung công việc theo Hướng dẫn số 479/CV-HĐPB ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh như tổ chức nói chuyện chuyên đề về pháp luật, pa nô, treo băng zôn, khẩu hiệu; viết tin bài giới thiệu nội dung pháp luật trên trang Thông tin điện tử, Bản tin Khoa học và Cuộc sống.. về các nội dung pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống sinh hoạt hàng ngày như pháp luật về đất đai, pháp luật về hôn nhân gia đình, pháp luật về an toàn giao thông, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Luật tiếp công dân, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế pháp luật về phòng chống các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma tuý, HIV/AIDS..v.v…

Với những hoạt động phong phú về nội dung đa dạng về hình thức, Ngày pháp luật sẽ luôn luôn là một điểm nhấn, một dấu mốc, một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, của tỉnh, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả thiết thực hơn nữa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ và quần chúng nhân dân./.

                                                                         

                                                                         BBTTTĐT

                                                                         (Thực hiện)

Thư viện video

Lượt truy cập