• Loading...
Chào mừng bạn đến với Trang thông Tin điện tử Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Yên Bái!
 
Tờ báo cách mạng đầu tiên ở Yên Bái
Ngày xuất bản: 29/07/2021 7:10:02 SA

 

Năm 1927, 2 thầy giáo Nguyễn Văn Chính dạy ở trường Thành Chung tỉnh Nam Định và Vũ Công Thảo dạy ở trường kỹ nghệ thực hành Hà Nội bị điều lên Yên Bái vì để học sinh của mình bãi khóa, tham gia để tang cụ Phan Chu Trinh. Tại thị xã Yên Bái, trong khi dạy học, các thầy thường xuyên lồng vào bài giảng nhiều nội dung thức tỉnh lòng yêu nước cho học sinh. Trong những học trò sớm giác ngộ đó có Phạm Lợi, Nguyễn Hữu Hiền, Nguyễn Văn Vạc, Đỗ Trọng Thi, Dương Văn Lan, Đinh Phú Sấn, Mai Xuân Khôi, Hoàng Huy Mộc…

 

 

                                                        Thẻ căn cước của Nguyễn Hữu Hiền

 Cuối năm 1929, Đỗ Văn Đức từ Sơn Tây lên thị xã Yên Bái ở với anh trai ở phố Yên Thái (nay thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái). Đỗ Văn Đức mở hiệu cắt tóc. Qua công việc hàng ngày, anh đã bắt mối vào lớp viên chức, binh lính, công nhân, tiểu thương và những thanh niên lao động của thị xã tiêu biểu như Ngô Cửu, thừa phái Dinh bố chánh; Lê Văn Viên, lính cơ Dinh bố chánh; Nguyễn Văn Ba, công nhân; Trần Thị Gái, tiểu thương chợ Yên Bái; Đỗ Văn Cửu, Ngô Văn Phú...là những thanh niên lao động nghèo.

Đặc biệt, tháng 2/1930,  thông qua Phạm Lợi, học sinh trường tiểu học Pháp - Việt,  Đỗ Văn Đức đã gây dựng trong nhóm học sinh của trường lập thành những tổ bí mật 3 người lấy tên là “Thanh niên đoàn”.

Tổ chức Thanh niên đoàn mỗi tháng họp một lần tại Gò Chùa hoặc chùa Bách Lẫm để đọc các tài liệu, sách báo yêu nước cách mạng như: Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc; Bầu tâm sự của Trần Huy Liệu; Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu và các báo như “Tiếng Dân”, “Phụ nữ Tân văn”, “Đuốc nhà Nam…Các kỳ sinh hoạt của tổ chức được chọn vào các ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động (1/5), Cách mạng tháng Mười Nga (7/11), ngày để tang Lênin (21/1)...Các tổ đều họp bí mật nghe Đỗ Văn Đức tuyên truyền, giác ngộ về tinh thần yêu nước và ý thức phản kháng chống ngoại xâm.

Nhằm giáo dục truyền thống, thức tỉnh lòng yêu nước của thanh niên, học sinh, tổ chức “Thanh niên đoàn” bàn bạc, quyết định và phân công nhau biên tập, xuất bản mỗi  tháng 1 kỳ tờ báo lấy tên là “Học sinh báo”. Phụ trách tờ báo là Phạm Lợi. Tham gia viết báo có Nguyễn Hữu Hiền, Nguyễn Trọng Thi...

Ngày 01/3/1930, báo “Học sinh báo” in thạch (đá) đã phát hành số đầu tiên trong đó có bài thơ Mừng học sinh với nội dung:

  “ Anh em hỡi! Chuyên cần học tập

  Theo người xưa cho kịp mới ngoan

  Noi gương Hưng Đạo, Ngô Quyền

  Noi gương Lê Lợi, Trưng Vương mới tài

  Học để cho nước ngoài họ biết

  Rằng dân ta không phải ngu hèn

  Dân ta nhất định có phen

  Treo cờ liềm búa thái bình từ đây”.

“Học sinh báo” phát hành liên tiếp 3 số vào tháng 3, 4, 5/1930 không chỉ trong học sinh mà còn đến với nhiều binh lính, quần chúng có cảm tình với cách mạng. Đây là những nỗ lực rất lớn của tổ chức “Thanh niên đoàn” trong điều kiện hoạt động bí mật và thiếu thốn nhiều về kỹ thuật.

Không riêng phát hành tờ báo, tổ chức Thanh niên đoàn có nhiều hoạt động cổ vũ phong trào cách mạng ở địa phương. Chào mừng ngày Quốc tế Lao động (1/5), Đỗ Văn Cầu, em trai của Đỗ Văn Đức trong đêm 30/4 treo cờ đỏ búa liềm tại cổng trường tiểu học Pháp - Việt,  rải truyền đơn có nội dung kêu gọi dân chúng và thợ thuyền nổi lên đánh đuổi thực dân Pháp giành lại độc lập, tự do tại khu vực trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái. Những hoạt động trên đã tạo ảnh hưởng lớn  không chỉ ở khu vực thị xã Yên Bái mà còn lan các địa phương lân cận khiến giới cầm quyền hoảng sợ.


Khi phát hiện ra 3 số báo cùng các hoạt động trên, Tỉnh trưởng Yên Bái báo cáo khẩn cấp với Sở Liêm phóng Bắc Kỳ và đề nghị hỗ trợ. Sở liêm phóng Bắc Kỳ đã phái tên mật thám Ác-ma-nê cùng một số mật vụ lên Yên Bái săn tìm và đàn áp phong trào cách mạng trong thanh niên. Được sự mật báo của tên lý trưởng phố Hội Bình, mật thám đã theo dõi, lùng sục trong đội ngũ học sinh. Chúng bắt Đỗ Văn Đức và 17 người tham gia tổ chức “Thanh niên đoàn”.

Báo Đông Pháp  số 1509 ngày 13/10/1931 đã tường thuuật lại vụ xử phúc phẩm

“Vụ cộng sản Yên Bái”.

           Ngày 13/6/1931, Tòa đệ nhị cấp Yên Bái và sau đó ngày 12/10/1931, Tòa thượng thẩm Bắc Kỳ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm những bị can trong tổ chức “Thanh niên đoàn. Chúng gọi đây là “vụ cộng sản ở Yên Bái”,  kết án 17 bị cáo từ  3 tháng đến 5 năm tù giam. Đỗ Văn Đức, Phạm Lợi, Ngô Cửu bị kết án  mức cao nhất. Sau phiên tòa, các bị cáo bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Riêng Đỗ Văn Đức bị thực dân Pháp đưa đi giam tại nhà tù Sơn La. Chúng giam cầm, đầy đọa anh đến kiệt sức. Đỗ Văn Đức hy sinh năm 1932 tại nhà tù Sơn  La.  

          Mặc dù mới chỉ phát hành 3 số “Học sinh báo” song những nội dung của tờ báo và các hoạt động của tổ chức “Thanh niên đoàn đã thức tỉnh tinh thần yêu nước của các tầng lớp Nhân dân không chỉ ở thị xã Yên Bái mà còn lan rộng ra các vùng lân cận, hướng quần chúng đi theo con đường đấu tranh mới do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, giành độc lập tự do trong cách mạng tháng Tám năm 1945; mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc: Độc lập và Chủ nghĩa xã hội.

 

                                                                                                                                                                                      Ngọc Hà

Thư viện video

Lượt truy cập

visitor counter