Nguyễn Văn Ý
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khóa I.
Để Yên Bái tiến kịp với đà đổi mới và phát triển của đất nước là nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái cho cả trước mắt và lâu dài. Cho đến ngày nay, nhớ lại và suy nghĩ kiểm nghiệm bởi thời gian suốt ba thập kỷ vẫn thấy việc tập trung: “đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói dài ngày ở vùng cao và giáp vụ ở vùng thấp; xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội” là hai sự lựa chọn đúng đắn, kịp thời và phát huy kết quả tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Yên Bái ở thập kỷ đầu tiên mới tái lập đã tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo nhanh hơn, mạnh hơn của Yên Bái sau này.
Với chương trình mục tiêu lương thực của tỉnh, ngành Nông - lâm nghiệp đứng mũi chủ công xây dựng và thực hiện các dự án về giống cây trồng với việc lựa chọn các loại giống lai có năng suất cao như lúa lai của Trung Quốc (Tiên ưu, Khang dân,…), giống ngô đông của Viện ngô Trung ương, ngô đồi của tỉnh bạn Sơn La, sắn cao sản của tỉnh Hoà Bình,… Đồng thời áp dụng các phương pháp thâm canh, tăng vụ và chỉ đạo chặt chẽ lịch thời vụ gieo trồng để đảm bảo thời vụ lúa và trồng thêm vụ đông, chăm bón thu hoạch cho phù hợp với thời tiết của từng vùng, thời vụ của từng loại giống nhằm đạt năng suất, sản lượng cao. Nhờ đó, hầu hết các huyện thị đã canh tác những cánh đồng lúa lai sản, nhiều điển hình tiên tiến đưa năng suất lên sáu đến bảy mươi phần trăm thậm chí có huyện tăng gần gấp đôi sản lượng như huyện Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ,… Ngô vụ đông cũng đã được triển khai ở hầu hết các huyện vùng thấp và lan tỏa một phần lên các huyện vùng cao đã tạo thêm nguồn lương thực đáng kể giúp cho khắc phục thiếu lương thực ở các huyện. Cuộc cách mạng về giống gắn liền với đổi mới kỹ thuật canh tác, thâm canh, tăng vụ đã làm thay đổi suy nghĩ của nông dân, thay đổi phương pháp canh tác và ứng dụng kỹ thuật, đã nâng trình độ sản xuất của nông dân lên tầm cao mới, tạo mùa màng tươi tốt đồng đều cho năng suất cao hơn, sản lượng nhiều hơn và từng bước khắc phục được nạn đói kéo dài ở vùng cao nhất là ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải và đói giáp vụ ở các xã vùng thấp trong tỉnh.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội: điện, đường, trường, trạm còn nhiều thiếu thốn. Cầu đường đã khó khăn nhưng còn có để đi lại, còn điện lực thì trừ thị xã tỉnh lỵ và ưu tiên huyện lỵ Yên Bình nơi có thủy điện Thác Bà mới có điện lưới quốc gia. Nhưng nhiều thời gian cũng phải cắt luân phiên do thiếu điện. Hệ thống các trường học, bệnh viện, phát thanh, truyền hình tất cả phần lớn là nhà cửa tạm bợ thiếu thầy, thiếu phương tiện khám chữa bệnh cho bệnh viện, bệnh xá; thiếu bàn ghế, sách giao khoa cho các trường. Bưu điện nối dây, truyền hình trắng đen phát vào khung giờ hạn chế mỗi tối. Như vậy, nhu cầu đòi hỏi đổi mới đặt ra cho tỉnh ta rất nhiều và rất cao, trong khi nguồn lực kinh tế của tỉnh rất hạn hẹp, các lợi thế về tỉnh biên giới không còn. Tỉnh phải tính toán khai thác mọi nguồn lực đặc biệt là nguồn lực đổi mới cơ chế từ Trung ương, nguồn lực nội sinh của địa phương, nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Cân bằng các nguồn lực đó, chúng ta đã sắp xếp lại thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ mục tiêu, chương trình dự án dựa trên định hướng làm công trình vừa với sức lực, dễ làm trước khó làm sau khai thác được tiềm năng để công trình trước hoàn thành sẽ tạo nguồn lực cho các công trình sau. Giải quyết hài hòa giữa các nhu cầu để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao trong tỉnh, gắn giữa lợi ích kinh tế với các lợi ích xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Trên hướng thống nhất đó, chúng ta đã lựa chọn triển khai khởi công các dự án được sự giúp đỡ của Trung ương và huy động được nguồn lực từ các địa phương. Còn nhớ công trình đầu tiên là cải tạo và nâng cấp đường từ thị xã Yên Bái đi Văn Yên, con đường vào vùng trọng điểm cây lương thực lúa, ngô và vùng xuất khẩu quế, gỗ, cung cấp nguồn lương thực thực phẩm và hàng hoá xuất khẩu cho tỉnh tạo thêm được nguồn tài chính cho ngân sách của tỉnh. Sau đó là những con đường tiếp theo như: cải tạo và nâng cấp ba mươi ki lô mét đường từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu, đường từ Vân Hội đi Đại Lịch - Văn Chấn. Khi kinh tế đã có bước phát triển, tiềm lực tài chính đã có sự cải thiện chúng ta tiếp tục đầu tư vào làm mới những công trình như: cầu Văn Phú vượt sông Hồng, đường từ cảng Hương Lý đến ga Văn Phú nối hai bờ hồ Thác Bà và sông Hồng qua khu công nghiệp phía Nam. Đường từ Mậu A - Văn Yên đi Tân Uyên nối liền hai vùng kinh tế Văn Yên với Yên Bình.
Đối với điện, lãnh đạo tỉnh các ngành, các huyện thị lập phương án, xoay chuyển mọi nơi, mọi hướng sao cho sớm đưa điện lưới quốc gia về địa phương mình. Những đoạn nối điện lưới quốc gia về Nghĩa Lộ, về Văn Chấn, về Trạm Tấu, và các xã ở vùng hồ thuỷ điện Thác Bà, huyện Văn Yên, Lục Yên đã dần dần tạo nên mạng lưới điện quốc gia đến các huyện thị hoàn chỉnh trong tỉnh. Cùng với sự đổi mới và phát triển kinh tế, các dự án về trường học, bệnh viện, bưu điện, truyền thông, truyền hình cũng đồng thời được triển khai xây dựng.
Trong thập kỷ đầu tiên tái lập tỉnh, bằng sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái và sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, của các Bộ ngành Trung ương. Chúng ta còn tiếp tục xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử và chào mừng một thế kỷ xây dựng Yên Bái phát triển và trưởng thành. Đó là các công trình kỷ niệm chiến thắng Nghĩa Lộ: Tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ; khu di tích lịch sử Căng Nghĩa Lộ, đồn Cao Pú Trạng; tượng đài lịch sử bến phà Âu Lâu. Đồng thời đã tập trung xây dựng khu hành chính huyện lỵ mới Văn Chấn tại xã Sơn Thịnh, trụ sở làm việc của hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhà trung tâm hội nghị của tỉnh. Xây dựng các công viên và quảng trường như: công viên Nguyễn Thái Học và tượng đài kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Nguyễn Thái Học cùng khu lăng mộ của ông, chỉnh trang lại quảng trường 19 tháng 8 và kè lát các hồ Hào Gia và Truyền hình.
Một thập kỷ đầu tiên, Yên Bái được tái lập 1991 - 2001, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã nỗ lực hết sức để xây dựng quê hương, nhiệm vụ và mục tiêu, các công trình được ghi lại trên chỉ là một trong rất nhiều phần mà Yên Bái đã làm được. So với ngày nay, những công trình đó có vốn đầu tư và quy mô không lớn; nhưng ở thời điểm đó những năm cuối của thế kỷ XX đó là những công trình rất đáng tự hào.
Tin khác