Hội Y tế công cộng tỉnh Yên Bái được thành lập năm 2005 theo Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày 30/8/2005 của chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái, mặc dù còn nhiều khó khăn trong tổ chức và hoạt động nhưng Hội Y tế công cộng tỉnh Yên Bái đã phát huy tốt vai trò, khắc phục khó khăn, đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động đạt kết quả quan trọng. Ban thường vụ, Ban chấp hành Hội quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức, tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các Chi hội, phối hợp với các đơn vị y tế và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Mạng lưới Hội Y tế công cộng tỉnh ngày càng phát triển. Tổng số có 15 Chi hội cơ sở với 650 hội viên và 01 Chi hội tổ chức thành viên, trong đó có 06 Chi hội tuyến tỉnh, gồm: Chi hội Văn phòng Sở Y tế; Chi hội Khối bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viện Y học cổ truyền; Bệnh viện tâm thần; Bệnh viện nội tiết; Bệnh viện sản nhi); Chi hội Khối Trung tâm tuyến tỉnh (Trung tâm kiểm nghiệm thuốc - Mỹ phẩm- thực phẩm; Trung tâm Giám định Y khoa); Chi hội Trường Cao đẳng y tế; Chi hội Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình; Chi hội Trung tâm kiểm soát bệnh tật; 09 Chi hội tuyến huyện tại 9 huyện thị, thành phố và 01 tổ chức thành viên là Chi hội Trung tâm phát triển Khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (Yenbai CDSH).
Ảnh hoạt động của Chi hội Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái
Với vai trò thành viên chính thức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành viên của Hội Y tế công cộng Việt Nam và thành viên Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh. Hội Y tế công cộng đã vận động Hội viên luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động y tế công cộng, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ nhằm củng cố và nâng cao kiến thức chuyên môn cho hội viên. Các chi hội luôn động viên và tạo điều kiện cho hội viên đi học nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phối hợp tham gia ý kiến vào các kế hoạch, Đề án, Thông tư, Nghị định... của tỉnh và của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng về công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh nghề nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình...; tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo các bộ Luật liên quan đến hoạt động của Hội và ngành Y tế. Tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của đơn vị, quy định của địa phương ở nơi làm việc cũng như nơi cư trú, tham gia sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ, tổ chức giáo dục dân số cho trường học. Tham gia truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản- KHHGĐ cho các xã. Tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho học sinh nghèo vùng cao, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động và phong trào Hội, vai trò của Hội được nâng cao, tập hợp được đông đảo lực lượng thầy thuốc trẻ có năng lực, trình độ đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh hội nhập Quốc tế, công tác Hội và hoạt động của Hội Y tế công cộng đã có nhiều khởi sắc, có sức lan tỏa trong xã hội, huy động nguồn lực để tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng về cộng đồng. Tổ chức cơ sở Hội tiếp tục được kiện toàn và củng cố, chất lượng tổ chức Hội và hội viên cơ sở được nâng lên. Vai trò, vị thế của Hội Y tế công cộng từng bước được khẳng định. Hội là môi trường để tập hợp, đoàn kết cán bộ, hội viên, định hướng những giá trị mang tính nhân văn của truyền thống dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Hoàng Thị Làng
Tin khác